Trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ

Trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em đang học năm 1 đại học Luật ban biên tập có thể tư vấn giúp em trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về điều này? Xin chân thành cám ơn! Hà Anh (haanh***@gmail.com)

Trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ được quy định tại Điều 3 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 138/2016/NĐ-CP như sau:

1. Chính phủ thống nhất quản lý hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

2. Cách thức giải quyết công việc của Chính phủ:

a) Thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ;

b) Gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

3. Quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Khi biểu quyết tại phiên họp Chính phủ cũng như khi sử dụng phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nếu số phiếu đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.

4. Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc những vấn đề đã được Chính phủ thống nhất về nguyên tắc. Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp Chính phủ gần nhất về những vấn đề đã quyết định.

5. Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện, khả năng của chính quyền địa phương.

Trên đây là quy định về trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại 138/2016/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính phủ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào