Quyền của bên nhận thế chấp với chủ nợ

Quy định về thế chấp tài sản. Quyền của bên nhận thế chấp với các chủ nợ khác và người thứ ba mua tài sản thế chấp trong quan hệ thế chấp được pháp luật quy định như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Thanh Lam, HN. (email: [email protected])

Thế chấp tài sản là một loại hình giao dịch bảo đảm được sử dụng rộng rãi trong hoạt động bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tài sản thế chấp có thể là tài sản hữu hình và quyền tài sản. Thế chấp tài sản theo quy định hiện hành mang nhiều nét của một loại vật quyền bảo đảm. Biện pháp giao dịch bảo đảm này thiết lập mối quan hệ khác nhau. Đầu tiên là quan hệ giữa bên nhận thế chấp (ngân hàng) và bên thế chấp (bên đi vay hoặc người thứ ba thế chấp tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên đi vay). Tiếp đến, thế chấp thiết lập một quyền ưu tiên thanh toán có tính chất đối kháng với bên thứ ba và các chủ nợ khác. 

1, Mối quan hệ giữa bên nhận thế chấp và các chủ nợ khác
Quyền ưu tiên thanh toán được thực hiện trên giá bán tài sản bảo đảm. Lúc này, biện pháp thế chấp được chuyển thành quyền đối với giá bán tài sản thế chấp. Như đã phân tích ở trên, pháp luật Việt Nam cho phép bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, tức là trao cho bên nhận bảo đảm quyền sở hữu tài sảnthế chấp và nếu thực hiện phương án xử lý tài sản bảo đảm này, bên nhận bảo đảm sẽ không phải “cạnh tranh” với các chủ nợ có bảo đảm và/hoặc không có bảo đảm khác của bên bảo đảm. Nhưng nếu vì những lý do nhất định bên nhận bảo đảm lựa chọn sử dụng quyền ưu tiên thanh toán của mình, theo thuật ngữ pháp lýkhi đó một thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ được thiết lập. Theo thứ tự ưu tiên thanh toán này, bên nhận thế chấp sẽ được thanh toán trước các chủ nợ không có bảo đảm và nếu như có nhiều chủ nợ có bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác lập dựa trên thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự 2005. Khi số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho cácbên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán thì số tiền đó sẽ được thanh toán cho các bên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị của các nghĩa vụ được bảo đảm theo Khoản 3, Điều 6, Nghị định 163/2006/NĐ-CP:  “Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán thì số tiền đó được thanh toán cho các bên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”

Thỏa thuận thứ tự ưu tiên thanh toán: Pháp luật hiện hành chỉ công nhận việc thỏa thuận thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản (khoản 2 và khoản 3, Điều 6, Nghị định 163/2006/NĐ-CP) chứ chưa mở rộng việc thỏa thuận thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm và các chủ nợ không có bảo đảm. Hơn nữa, quy định này của Nghị định 163/2006-NĐ-CP giới hạn phạm vi thế quyền ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên được thế quyền.

Một tài sản được sử dụng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ:

-Trong trường hợp một trong các nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn và bên thế chấp không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ này thì bên nhận thế chấp này được quyền xử lý tài sản thế chấp và có nghĩa vụ thông báo cho các bên nhận bảo đảm khác và lúc này các nghĩa vụ được bảo đảm khác dù chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản theo Khoản 2, Điều 324 Bộ luật Dân sự 2005: “Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.”. Bên nhận thế chấp có nghĩa vụ được bảo đảm đầu tiên đến hạn có trách nhiệm chủ trì việc xử lý tài sản nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Các bên liên quan phải đạt được sự đồng thuận về một phương thức xử lý tài sản bảo đảm nhất định. Như đã nêu ở trên, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì sẽ áp dụng phương thức bán đấu giá tài sản. Kê biên tài sản thế chấp để thi hành án. Theo quy định tại khoản 4, Điều 4, Nghị định 163/2006/NĐ-CP: “Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” nếu giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên thế chấp.

Tuy nhiên, căn cứ vào tương quan giữa giá trị của tài sản thế chấp và giá trị nghĩa vụ bảo đảm, pháp luật thi hành án phân biệt hai trường hợp:
- Nếu tài sản thế chấp có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng thế chấp thì chấp hành viên phải thông báo cho người nhận thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án (bên thế chấp), yêu cầu người nhận thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký (Điều 6 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tư pháp, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự).

 - Nếu giá trị của tài sản thế chấp lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp. Khi kê biên tài sản đang thế chấp, chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán. Đây chính là một trường hợp pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác - một trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 56 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Vấn đề đặt ra ở đây là khi nghĩa vụ bảo đảm chưa đến hạn, việc thanh toán cho bên nhận thế chấp khi chưa có bằng chứng về việc bên thế chấp không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm như vậy là bất lợi cho bên thế chấp vì bên thế chấp đứng trước nguy cơ bên nhận thế chấp sẽ không hoàn trả lại số tiền này ngay cả khi bên thế chấp không vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm. Nên chăng quy định khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản kê biên được gửi vào một tài khoản được phong tỏa tại một ngân hàng do bên thế chấp đứng tên và khoản tiền này trở thành tài sản thế chấp thay thế cho tài sản thế chấp đã bị xử lý để thi hành án.

2, Mối quan hệ giữa bên nhận thế chấp và người thứ ba mua tài sản thế chấp - quyền truy đòi

Trừ trừ trường hợp hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh về nguyên tắc sau khi một tài sản được thế chấp, bên thế chấp không được tự ý định đoạt tài sản đó (chẳng hạn bán cho bên thứ ba). Điều 20, Nghị định 163/2006/NĐ-CP mở ra hai lựa chọn cho bên nhận thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp:

- Bên nhận thế chấp có thể thực hiện quyền thu hồi tài sản thế chấp và bên mua, bên nhận trao đổi, hay bên được cho tặng có nghĩa vụ phải giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

- Các khoản tiền thu được, quyền yêu cầu thanh toán hoặc tài sản khác có được từ việc mua bán, trao đổi tài sản thế chấp trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán, trao đổi.

Bên nhận thể chấp không được thực hiện quyền truy đòi này trong hai trường hợp sau:

- Việc mua, trao đổi tài sản được thực hiện trước thời điểm đăng ký thế chấp và bên mua, bên nhận trao đổi tài sản thế chấp ngay tình;
- Bên mua, bên nhận trao đổi phương tiện giao thông cơ giới đã được đăng ký thế chấp, nhưng nội dung đăng ký thế chấp không mô tả chính xác số khung và số máy của phương tiện giao thông cơ giới và bên mua, bên nhận trao đổi tài sản thế chấp ngay tình.

Việc định đoạt tài sản thế chấp có điều kiện (tức là phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp) theo quy định hiện hành như vừa nêu dẫn đến hệ quả không mong muốn là hạn thế khả năng khai thác giá trị kinh tế của tài sản. Theo quy định của nhiều nước theo chế độ vật quyền bảo đảm, bên thế chấp tài sản có quyền bán tài sản thế chấp mà không nhất thiết phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp và trong trường hợp bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận thế chấp sẽ thực hiện quyền truy đòi của mình.

Trên đây là quy định về quyền của bên nhận thế chấp với chủ nợ. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào