Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi phạm tội khách quan duy nhất là chiếm đoạt, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.
Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Không có thủ đoạn thuộc về tư tưởng, suy nghĩ nào của người phạm tội lại không được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi, cũng chính vì thế mà về lý luận, khi phân tích các dấu hiệu khách quan cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số báo viết, tội lừa dối chiếm đoạt tái sản có hai hành vi khách quan: " hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt ", nói như thế cũng không phải không có căn cứ. Tuy nhiên, điều văn của điều luật quy định "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác...", nên không thể coi thủ đoạn phạm tội là một hành vi khách quan được vì thủ đoạn là phương thức để đạt được mục đích mà biểu hiện của thủ đoạn gian dối lại bao gồm nhiều hành vi khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi đó nhằm đánh lừa người khác.
Như vậy việc người phạm tội có hành vi cụ thể nào để đánh lừa được người khác là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và do người phạm tội lựa chọn sao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin mà giao tài sản cho người phạm tội. Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người phạm tội có đến 1001 cách khác nhau, như: bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ, quyền hạn, giả danh người có chức vụ, quyền hạn, giả danh các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội để thông qua ký kết hợp đồng...
Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp cũng có hành vi thủ đoạn dan dối, cũng có hành vi chiếm đoạt, nhưng hành vi này đã được Bộ luật hình sự quy định thành tội phạm độc lập thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị truy cứu về tội phạm tương tự khác.
Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tùy từng trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che dấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: A vay của B 20 lượng vàng 9999 có viết giấy biên nhận với lãi xuất 1%/tháng, nhưng sau đó A đã tìm cách mượn lại giấy biên nhận và tẩy xóa sửa lại thành 20 chỉ vàng (2 lượng) để chiếm 18 lượng vàng của B.
Về phía người bị hại là người mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin và không ít người do tham lam nên mới tạo điều kiện để người phạm tội lừa được Ví dụ: chị Nguyễn Thị M là nhân viên khách sạn đường sắt đã đổi một chiếc xe đạp mini Nhật lấy 1 dây chuyền vàng 6 chỉ và theo như lời chị M, thì việc trao đổi đó làm cho chị có lời vì chiếc xe đạp chị mua có 2 triệu còn chiếc dây chuyền vàng 6 chỉ trị giá tời 3 triệu đồng nhưng về nhà kiểm tra thì dây chuyền đó là dây chuyền giả.
Một đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khi bị lừa, người bị lừa tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và họ cho rằng việc giao tài sản cho người phạm tội là hoàn toàn hợp pháp. Thực tiễn xét xử có một số trường hợp bị lừa nhưng người bị hại nhận thức được rằng, việc giao tài sản đó là việc bất hợp pháp, thì người bị lừa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi giao tài sản.
Thư Viện Pháp Luật