Ném đá vào cảnh sát sẽ bị phạt thế nào?

Hành vi ném đá vào cảnh sát đang đi tuần tra khiến phải nhập viện cấp cứu sẽ bị xử lý về tội gì? Nếu nạn nhân là người thi hành công vụ thì việc xử phạt có khác gì không? Xuân Quang

Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác có thể bị truy cứu về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể như sau:

- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm.

- Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.

- Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, nếu biết cảnh sát đang trên đường thực hiện nhiệm vụ song vẫn cố ý gây thương tích với mục đích cản trở người thi hành công vụ... thì sẽ có hai trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, nếu cảnh sát bị thương tật dưới 11%, người ném đá vẫn bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (điểm k khoản 1 Điều 104), mức hình phạt cao nhất trong trường hợp này là 3 năm tù.

Thứ hai, nếu cảnh sát bị thương mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% sẽ áp dụng khoản 2 điều 104 để xử lý; tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% sẽ áp dụng khoản 3.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào