Chồng giữ hết giấy tờ không cho vợ đơn phương ly hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn”. Như vậy, bạn có quyền đơn phương ly hôn khi thấy cuộc sống hôn nhân của mình không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Hồ sơ yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn (theo mẫu của tòa án nơi tiếp nhận đơn);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân của vợ chồng (bản sao, chứng thực);
+ Giấy khai sinh của con (bản sao, chứng thực);
+ Các giấy tờ chứng tài sản như: Giấy tờ xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (trong trường hợp nhà chưa được cấp sổ), sổ tiết kiệm,… (bản sao, chứng thực). Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ thì bạn đến tòa án nhân dân huyện/quận nơi chồng bạn cư trú để nộp đơn ly hôn (có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.)
Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đã giữ hết các giấy tờ như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và sổ hộ khẩu do đó bạn không có giấy tờ để tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn. Như vậy, với tình trạng hiện nay, bạn chưa thể làm thủ tục ly hôn.
Bạn có thể giải quyết như sau:
+ Về giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh của con: Bạn có thể đến UBND xã/phường nơi vợ chồng bạn đã đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh trước đây để xin cấp bản sao cho các giấy tờ này.
+ Về sổ hộ khẩu: Bạn liên hệ với công an cấp xã/ phường nơi bạn thường trú xác nhận rằng bạn là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này bạn có thể làm một đơn riêng, cũng có thể nhờ công an xác nhận ngay vào đơn xin ly hôn.
+ Về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư: Bạn có thể lên chủ đầu tư để xin lại hợp đồng mua bán (bản sao) để nộp cho Tòa.
Về giành quyền nuôi con trai gần 3 tuổi
Theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, con trai của bạn dưới 3 tuổi và bạn có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con thì bạn hoàn toàn có đủ cơ sở để được trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm tòa án mở phiên tòa xét xử ly hôn mà con trai của bạn đã đủ 3 tuổi thì cơ hội để giành quyền nuôi con của bạn sẽ thấp hơn. Lúc ấy, tòa án sẽ dựa trên rất nhiều các căn cứ để xác định giao con cho ai (vợ hay chồng) là người trực tiếp nuôi để có điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ.
Thư Viện Pháp Luật