Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật

Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Tuấn An. Hiện tôi đang làm việc tại Uỷ ban nhân dân tỉnh X. Tôi thấy gần đây tình trạng bệnh dịch động vật đang nổi lên rấ nguy hiểm. Ở mỗi địa phương đều phát động phong trào chống dịch bệnh. Vậy xin Ban biên tập tư vấn giúp tôi kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn. Địa chỉ email của tôi là han***@gmail.com.

Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật đã được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được quy định như sau:

1. Nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật thú y.

2. Sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật:

a) Ngân sách nhà nước:

Ngân sách Trung ương bố trí kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Ngân sách địa phương bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương. Trường hợp kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 27 của Luật thú y.

b) Kinh phí của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

Các chi phí để phòng, chống dịch ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

c) Kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Nội dung chi từ ngân sách nhà nước:

a) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật;

b) Mua sắm phương tiện, trang thiết bị, thuốc thú y (vắc xin, thuốc sát trùng) và chi phí cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật;

c) Hoạt động giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật;

d) Dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật; Điều tra, nghiên cứu bệnh động vật;

đ) Hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật;

e) Hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra hoặc do phải áp dụng biện pháp xử lý bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí xử lý;

g) Hỗ trợ để phục hồi môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;

4. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:

a) Mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra, hỗ trợ thiệt hại do phải áp dụng biện pháp xử lý động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với những nội dung chưa có quy định về mức hỗ trợ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 27 và Khoản 3 Điều 30 của Luật thú y; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.

b) Mức hỗ trợ phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và yêu cầu thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào