Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi đã được quy định cụ thể tại Điều 65 Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này.
3. Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3 Điều 32 Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Thủ tướng Chính phủ vềviệc ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3 Điều 35 Nghị định này và thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này và tổ chức thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
5. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
7. Bảo đảm công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.
8. Bố trí vốn trả nợ ngân sách trung ương đầy đủ, đúng hạn để trả nợ nước ngoài đối với chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật