Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Tuấn Thành, quê ở Kiên Giang. Tôi có làm việc cho một công ty xây dựng. Tôi đang có một vấn đề muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp: nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn. Địa chỉ email của tôi là kaan***@gmail.com.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi đã được quy định cụ thể tại Điều 60 Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi được quy định như sau:

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn vốn này (đối với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện).

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định này.

4. Đại diện chính thức cho “bên vay” trong các khoản vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ đối với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện và được ủy quyền ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về khoản vay đó.

5. Bàn giao hồ sơ và toàn bộ các thông tin liên quan đến chương trình, dự án cho Bộ Tài chính sau khi điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi có hiệu lực, trừ thỏa thuận vay với Quỹ Tiền tệ quốc tế.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định và công bố danh sách ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi, làm cơ sở để cơ quan chủ trì đàm phán điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi lựa chọn ngân hàng phục vụ cho chương trình, dự án.

7. Tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan về tình hình rút vốn và thanh toán thông qua hệ thống tài khoản của chương trình, dự án mở tại các ngân hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến vốn ODA, vốn ưu đãi. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào