Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý chất thải nguy hại

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý chất thải nguy hại được quy định như thế nào? Bạn đọc Trần Thiên Minh Uy, địa chỉ mail tranh****@gmail.com hỏi: Tôi đang công tác tại cơ quan về môi trường. Tôi muốn hỏi: Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý chất thải nguy hại được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn!

Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu (Có hiệu lực từ ngày 15/06/2015), theo đó: 

1. Thống nhất quản lý nhà nước về chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc và ban hành quy định về:

a) Danh mục, mã và ngưỡng chất thải nguy hại; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến các điều kiện để được cấp phép xử lý chất thải nguy hại và việc thực hiện trách nhiệm trong giai đoạn hoạt động của chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải nguy hại;

b) Trình tự, thủ tục về: Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp và thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; tích hợp và thay thế các thủ tục có liên quan đến đăng ký chủ nguồn thải, cấp phép xử lý chất thải nguy hại; cấp chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại;

c) Đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng; tổ chức thực hiện chức năng cơ quan thẩm quyền và đầu mối Công ước Basel tại Việt Nam;

d) Các trường hợp đặc thù: Trường hợp không thể thực hiện được việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển bằng các phương tiện, thiết bị được ghi trên Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải có số lượng phát sinh thấp hoặc các chủ nguồn thải ở vùng sâu, vùng xa và khu vực chưa đủ điều kiện cho chủ xử lý chất thải nguy hại trực tiếp thực hiện vận chuyển bằng các phương tiện được ghi trên Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, các chất thải nguy hại chưa có khả năng xử lý trong nước hoặc được quy định trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tái sử dụng chất thải nguy hại; vận chuyển chất thải nguy hại từ các công trình dầu khí ngoài biển và các trường hợp khác phát sinh trên thực tế.

2. Tổ chức quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các chủ xử lý chất thải nguy hại.

3. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải nguy hại; tổ chức, hướng dẫn việc triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ chất thải nguy hại và báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến; tổ chức việc tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

4. Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý chất thải nguy hại phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 94 Luật Bảo vệ môi trường.

(Điều 13 Nghị định 38/2015/NĐ-CP)

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về vấn đề: Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý chất thải nguy hại, được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào