Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải nguy hại

Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải nguy hại được quy định như thế nào? Bạn đọc Trần Ngọc Thiên, địa chỉ mail tranh****@gmail.com hỏi: Chúng tôi hiện nay đang sở hữu một chuỗi các công nghệ về xử lý chất thải nguy hại. Tôi muốn hỏi: Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải nguy hại được quy định như thế nào? Vì sắp tới chúng tôi sẽ mở công ty ứng dụng trên diện rộng nên rất quan tâm vấn đề này. Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn!

Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới trách nhiệm của chủ xử lý chất thải nguy hại được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu (Có hiệu lực từ ngày 15/06/2015), theo đó: 

1. Ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với các chủ nguồn thải chất thải nguy hạitrên địa bàn hoạt động được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; tiếp nhận, vận chuyển, xử lý số lượng, loại chất thải nguy hại bằng các phương tiện, hệ thống, thiết bị được phép theo đúng nội dung hợp đồng, chứng từ chất thải nguy hại và Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động mà không có khả năng xử lý. Trường hợp xử lý được hoàn toàn các chất thải nguy hại, chủ xử lý chất thải nguy hại không phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

3. Thực hiện đầy đủ các nội dung của hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận kèm theo Giấy phép. Hồ sơ này là căn cứ cụ thể cho hoạt động quản lý, giám sát môi trường đối với chủ xử lý chất thải nguy hại.

4. Thông báo bằng văn bản cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (bằng văn bản riêng hoặc tích hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ) trongtrường hợp có lý do phải lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại mà chưa đưa vào xử lý sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày thực hiện chuyển giao ghi trên chứng từ chất thải nguy hại.

5. Đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có nhu cầu liên kết để vận chuyển các chất thải nguy hại không có trong Giấy phép của mình cho chủ xử lý chất thải nguy hại khác có chức năng phù hợp để xử lý.

6. Áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về Hệ thống quản lý môi trường (TCVN ISO 14001) trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; hoặc 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động.

7. Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Trường hợp chủ xử lý chất thải nguy hại đồng thời là chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì được tích hợp các báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký cho cả việc quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường.

8. Thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động, nộp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng kể từ khi chấm dứt hoạt động.

(Điều 12 Nghị định 38/2015/NĐ-CP)

Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ xử lý chất thải nguy hại được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT, bạn có thể tham khảo thêm. 

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về vấn đề: Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải nguy hại, được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử lý chất thải nguy hại

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào