Giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Thanh Hằng. Hiện, tôi đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tôi có tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư và có thắc mắc về việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn. Địa chỉ email của tôi là thanhhang***@gmail.com.

Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được quy định cụ thể tại Điều 56  Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định như sau:

1. Giám sát chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm các hoạt động theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất quá trình thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các cấp quản lý về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định hiện hành của pháp luật về giám sát và đánh giá đầu tư công.

2. Đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm các hoạt động đánh giá định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm xác định mức độ thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định hiện hành của pháp luật về giám sát và đánh giá đầu tư công. Đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:

a) Đánh giá ban đầu; Đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn; Đánh giá kết thúc;

b) Đánh giá đột xuất;

c) Đánh giá tác động.

3. Trách nhiệm giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi:

a) Chủ dự án có trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá ở cấp chủ dự án và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác này;

b) Cơ quan chủ quản có trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá ở cấp cơ quan chủ quản và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác này;

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ở cấp quốc gia, tham gia cùng cơ quan chủ quản, nhà tài trợ nước ngoài và cơ quan, địa phương có liên quan khác tiến hành đánh giá tác động theo quy định hiện hành của pháp luật về giám sát và đánh giá đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá ở cấp quốc gia và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác này.

4. Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và đánh giá chương trình, dự án đầu tư công và điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào