Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi như thế nào?
Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định như sau:
1. Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi ký kết nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế và quản lý nợ công.
2. Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.
3. Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA viện trợ không hoàn lại nhân danh Chính phủ thực hiện như sau:
a) Cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đàm phán chủ động thảo luận và thống nhất với bên nước ngoài về dự thảo thỏa thuận;
b) Sau khi thống nhất với bên nước ngoài, cơ quan chủ trì đàm phán tổng hợp kết quả đàm phán để đồng thời xin ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến;
c) Cơ quan chủ trì đàm phán trao đổi lại với bên nước ngoài để hoàn chỉnh dự thảo thỏa thuận và trình Thủ tướng Chính phủ việc ký kết;
d) Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép ký kết, Thủ trưởng cơ quan chủ trì đàm phán tiến hành ký kết hoặc ủy quyền ký kết thỏa thuận với bên nước ngoài;
đ) Trường hợp nội dung dự thảo thỏa thuận tương tự thỏa thuận mẫu hoặc thỏa thuận khung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ trì đàm phán trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết sau khi đã đàm phán và thống nhất với bên nước ngoài. Đối với các nội dung khác với thỏa thuận mẫu hoặc thỏa thuận khung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các điều kiện tài chính cụ thể, cơ chế tài chính chưa được nêu trong thỏa thuận mẫu hoặc thỏa thuận khung, cơ quan chủ trì đàm phán phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi ký kết;
e) Đối với các sửa đổi, bổ sung thỏa thuận làm thay đổi cam kết về hạn mức vốn ODA, cơ quan chủ trì đàm phán trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; trong các trường hợp khác, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cơ quan chủ trì đàm phán thống nhất và ký kết với bên nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật