Trường hợp đình chỉ hành nghề khám, chữa bệnh

Trường hợp nào bị đình chỉ hành nghề khám, chữa bệnh? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Tâm (Khánh Hòa) có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn như sau: Tôi có đi khám bệnh ở một bệnh viện tư nhân và được bác sĩ chẩn đoán đau bao tử và có kê một toa thuốc cho uống. Không hiểu sao sau khi uống thuốc được vài ngày thì tôi bị đau đầu và nôn ói liên tục. Khi được đưa đi cấp cứu mới biết tôi bị phản ứng với thuốc do bác sĩ kia đã kê toa sai với thuốc chống chỉ định. Cho tôi hỏi, bác si kia tắt trách vậy có bị phạt gì không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật qua email: tam***@gmail.com. Chân thành cảm ơn!

Trường hợp của bác sĩ này, may là bạn cũng không bị thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng nên bác sĩ đó có thể chỉ bị đình chỉ hành nghề. Vấn đề này được quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và Điều 6 Thông tư 35/2013/TT-BYT. Cụ thể như sau:

- Người hành nghề vi phạm một trong các quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh đến mức phải bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 29 của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn. 

- Mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề do Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề.

Trên đây là quy định về trường hợp đình chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào