Chia thừa kế khi bố mẹ không lập di chúc
Vì bố mẹ bạn chết không để lại di chúc nên tài sản để lại sẽ được chia theo pháp luật. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005, "hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Như vậy, những người được hưởng di sản mà bố mẹ bạn để lại bao gồm: ba anh em bạn; ông bà nội, ngoại của bạn (nếu còn sống); con nuôi của bố mẹ bạn (nếu có).
Vì bố bạn mất từ năm 2000 (đến nay là 16 năm), mẹ bạn mất năm 2002 (đến nay là 14 năm) nên đã hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Nếu em gái bạn "đòi phân chia tài sản của bố mẹ" và gia đình bạn không có tranh chấp về quyền thừa kế thì sẽ áp dụng tiểu mục 2.4 chương I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP để giải quyết về chia tài sản chung, cụ thể như sau:
"a. Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b. Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản".
Vì anh trai bạn đã đi biệt tích khỏi địa phương gần 7 năm, do đó, để được chia tài sản chung thì bạn cần làm đơn yêu cầu tán tuyên bố anh trai mình đã mất tích hoặc làm đơn yêu cầu tuyên bố anh trai mình đã chết theo quy định tại Điều 78 hoặc Điều 81 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Nếu tòa án tuyên bố anh trai bạn mất tích, phần tài sản anh trai bạn được hưởng sẽ được giao cho một trong những người thân thích quản lý. Nếu tòa án tuyên bố anh trai bạn đã chết thì phần tài sản anh trai bạn được hưởng sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về thừa kế, 2 anh em bạn sẽ được thừa hưởng phần di sản đó.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, nếu anh trai bạn quay trở về và làm đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố là mình đã chết của tòa án thì quan hệ về tài sản của anh trai bạn sẽ được khôi phục trở lại, và mảnh đất đó trở thành tài sản chung của cả 3 anh em.
Tóm lại, vì đã hết thời hiệu phân chia di sản thừa kế nên để phân chia di sản của bố mẹ bạn để lại thì hai anh em bạn cần làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố anh trai bạn đã mất tích hoặc đã chết. Sau khi có quyết định của tòa án, bạn và em gái làm văn bản thừa nhận diện tích đất đó là di sản của bố mẹ bạn để lại chưa chia thì di sản đó sẽ chuyển thành tài sản chung của hai anh em bạn. Nếu hai anh em bạn thỏa thuận được về phần mỗi người được hưởng thì tiến hành chia tài sản theo thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được về phần mỗi người được hưởng thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật