Chánh án hay Thẩm phán được phân công sẽ thực hiện việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?

Khoản 5 Điều 75 BLTTDS năm 2015 quy định: “Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Vậy trường hợp này Chánh án hay Thẩm phán được phân công sẽ thực hiện việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?

Điểm k khoản 1 Điều 47 BLTTDS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án: “Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”. Khoản 14 Điều 48 BLTTDS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán: “Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Điểm b khoản 2 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định: trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn “Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác”. Như vậy, trường hợp sau khi nhận được đơn khởi kiện mà chưa phân công Thẩm phán thì Chánh án thực hiện việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;trường hợp đã phân công Thẩm phán giải quyết thì Thẩm phán được phân công thực hiện việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trên đây là câu trả lời trích dẫn từ văn bản 01/GĐ-TANDTC năm 2016 giải đáp vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại văn bản nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẩm phán

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào