Quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính

Quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính được quy định như thế nào? Và điều này được quy định cụ thể ở đâu? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, em tên là Trần Đan Thanh. Hiện tại, em là sinh viên năm cuối khoa luật và em đang làm một đề tài tốt nghiệp liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hành chính. Em có tìm hiểu qua một số tài liệu và có thắc mắc về quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn. Email của em là an***@gmail.com

Quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính đã được quy định cụ thể tại Điều 277 Luật Tố tụng Hành chính 2015. 

Theo đó, quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính được quy định như sau:

1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định giám đốc thẩm nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quyết định giám đốc thẩm phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên tòa;

b) Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm là Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ, tên, chức vụ của Chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;

c) Họ, tên Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa;

d) Tên vụ án mà Hội đồng đưa ra xét xử giám đốc thẩm;

đ) Tên, địa chỉ của đương sự trong vụ án;

e) Tóm tắt nội dung vụ án, phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

g) Quyết định kháng nghị, lý do kháng nghị;

h) Nhận định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị; lập luận của Hội đồng xử giám đốc thẩm về các vấn đề pháp lý đặt ra và được giải quyết trong vụ án (nếu có);

i) Điểm, khoản, điều của Luật tố tụng hành chính mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm căn cứ để ra quyết định;

k) Quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm.

3. Quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên nhân, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Tố tụng Hành chính 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào