Công dân có nghĩa vụ gì với yêu cầu của công an?

Tôi được cơ quan điều tra đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện để họ phá một vụ án kinh tế. Nếu tôi từ chối thì có được không? Trần Tuấn

Theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Điều tra hình sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân trong hoạt động điều tra: Tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan điều tra, bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển, cơ quan khác của công an nhân dân, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra.

Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, công dân có nghĩa vụ chấp hành những yêu cầu của điều tra viên để họ thực hiện nhiệm vụ điều tra. Mặt khác, công dân cũng cần có những hành động tích cực trong điều kiện có thể như bảo vệ hiện trường khi điều tra viên chưa tới hoặc không tụ tập dưới lòng đường gây cản trở phương tiện thực thi nhiệm vụ…. 

Tuy nhiên, về nguyên tắc, những yêu cầu của điều tra viên, người tiến hành tố tụng phải hợp pháp thì mới có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với người được yêu cầu. Công dân có quyền từ chối thực hiện khi có căn cứ cho rằng những yêu cầu đối với họ là trái pháp luật. Trường hợp yêu cầu được xác định là hợp pháp thì có thể công dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự từ chối của mình.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào