Nghĩa vụ của người lao động khi tham gia BH thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, người lao động khi tham gia BH thất nghiệp có nghĩa vụ:
- Đóng BH thất nghiệp đủ và đúng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm;
- Thực hiện đúng quy định về việc tham gia BH thất nghiệp;
- Bảo quản, sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT theo quy định;
- Người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đang tham gia BH thất nghiệp phải thông báo với người sử dụng lao động kế tiếp để tiếp tục tham gia BH thất nghiệp theo quy định;
- Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) theo quy định tại trung tâm dịch vụ việc làm khi có nhu cầu hưởng BH thất nghiệp;
- Hằng tháng thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN theo quy định;
- Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu trong thời gian hưởng TCTN;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN nếu người lao động tìm được việc làm thì phải thông báo ngay cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN;
- Nhận thông báo về việc không được hưởng TCTN, quyết định hưởng TCTN, quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng TCTN, quyết định tiếp tục hưởng TCTN, quyết định chấm dứt hưởng TCTN theo quy định;
- Thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc các trường hợp chấm dứt hưởng TCTN theo quy định;
- Nộp lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội khi thuộc các trường hợp chấm dứt hưởng TCTN theo quy định;
- Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BH thất nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan./.
Thư Viện Pháp Luật