Xử lý như thế nào khi người khởi kiện không cung cấp thêm hồ sơ sau 10 ngày yêu cầu?
Theo hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì trong trường hợp Tòa án yêu cầu sửa đơn khởi kiện mà người khởi kiện không sửa thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Đây là trường hợp người khởi kiện đã sửa lại đơn khởi kiện nhưng chỉ không nộp theo đơn khởi kiện các tài liệu chứng minh khác.
Theo quy định tạii Điều 72 Luật TTHC thì những tài liệu, chứng cứ mà đương sự có nghĩa vụ xuất trình là:
“1. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.
2. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Tại khoản 2 Điều 105 Luật TTHC có quy định:“...Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ hợp pháp”.
Như vậy, việc nộp các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là bắt buộc tuy nhiên không đòi hỏi đương sự phải nộp ngay toàn bộ các tài liệu, chứng cứ mà có thể xuất trình chứng cứ trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Trong trường hợp người khởi kiện không nộp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào theo quy định tại Điều 72 Luật TTHC kèm theo Đơn khởi kiện thì việc khởi kiện là chưa đủ điều kiện khởi kiện và áp dụng điểm d, khoản 1, Điều 109 Luật TTHC để trả lại đơn khởi kiện do “Chưa đủ điều kiện khởi kiện”.
Thư Viện Pháp Luật