Trình bày của đương sự trong phiên toà sơ thẩm vụ án hành chính
Việc trình bày của đương sự trong phiên toà sơ thẩm vụ án hành chính đã được quy định cụ thể tại Điều 176 Luật Tố tụng Hành chính 2015.
Theo đó, đương sự trong phiên toà sơ thẩm vụ án hành chính được trình bày theo quy định sau:
1. Trường hợp đương sự vẫn giữ yêu cầu, quan điểm của mình và không thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử tóm tắt nội dung yêu cầu của đương sự, thông báo kết luận tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, những vấn đề cần tranh tụng, yêu cầu đương sự trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn theo trình tự sau đây:
a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày ý kiến của người bị kiện đối với yêu cầu của người khởi kiện; yêu cầu, đề nghị của người bị kiện và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Người bị kiện có quyền bổ sung ý kiến;
c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.
2. Trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày về yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.
3. Tại phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ có quyền bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật này để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc trình bày của đương sự trong phiên toà sơ thẩm vụ án hành chính. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Tố tụng Hành chính 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật