Lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự

Lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Chào mọi người, em có một vấn đề hi vọng được các anh chị trong Thư ký luật giải đáp. Em mới tham gia một vụ tranh chấp nhà cửa. Em thấy tại phiên tòa, tòa án có thực hiện công việc là lấy lời khai của hai bên. Cho em hỏi pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp em. Xin cám ơn!

Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới lấy lời khai của đương sự  trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/07/2016). 

Theo đó, thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng.

Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự.

Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản.

Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

Việc lấy lời khai của đương sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự đó. ( đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự; người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi)

(Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào