Những trường hợp nào được tại ngoại, những trường hợp nào bị tạm giam?
Các trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự bao gồm: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, hoặc phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Tuy nhiên, luật cũng quy định một số trường hợp đặc biệt tuy rơi vào một trong những trường hợp được quy định trên cũng có thể được tại ngoại. Như vậy, nếu việc phạm tội không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không thể áp dụng biện pháp tạm giam.
Việc đóng tiền để được tại ngoại theo diễn đạt của chị là biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm được quy định tại Điều 93 BLTTHS. Đây là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam, được áp dụng đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam dựa vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo.
Trường hợp của con chị, nếu bị truy tố theo khoản 1, 2 điều 138 - Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp tài sản và có căn cứ cho rằng con chị không thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tiếp tục phạm tội thì có thể không bị tạm giam. Nếu con chị bị truy tố ở các khoản 3, 4, 5 điều 138 - Bộ luật Hình sự thì sẽ bị tạm giam và có được đóng tiền để tại ngoại hay không còn tùy thuộc vào nhận định của cơ quan có thẩm quyền về mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của con chị. Nếu con chị được chấp nhận biện pháp đặt tiền để tại ngoại và con chị chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại số tiền mà chị đã đặt, còn trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập mà con chị vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền chị đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và con chị sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Thư Viện Pháp Luật