Vật, chất được nhận chìm ở biển
Vật, chất được nhận chìm ở biển được quy định tại Điều 58 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 như sau:
1. Vật, chất được nhận chìm ở biển phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không chứa chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; bảo đảm không tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản;
c) Không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội;
d) Thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển.
2. Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển.
Ngoài ra, danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển được hướng dẫn bởi Điều 60 Nghị định 40/2016/NĐ-CP gồm:
1. Chất nạo vét.
2. Bùn thải.
3. Các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản.
4. Tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển.
5. Các chất địa chất trơ và chất vô cơ.
6. Các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên.
7. Các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê-tông và các chất tương tự không độc hại mà trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm.
8. Carbon dioxide (CO2) được thu và lưu trữ.
Trên đây là quy định về vật, chất được nhận chìm ở biển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật