Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm trong việc thực hiện kiểm định xe cơ giới
Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm trong việc thực hiện kiểm định xe cơ giới được quy định cụ thể tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo đó:
Đơn vị đăng kiểm có các trách nhiệm sau:
- Tuân thủ các quy định pháp luật về các điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm định xe cơ giới;
- Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo đúng quy định;
- Duy trì điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra, thiết bị thông tin, lưu trữ, truyền số liệu;
- Thu phí, lệ phí kiểm định và các loại, phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật;
- Sau 18 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đơn vị đăng kiểm phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001;
- Niêm yết công khai tại phòng chờ, xưởng kiểm định về quy trình, nội dung kiểm định; giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các nội dung khác theo quy định;
- Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, tình trạng kỹ thuật của phương tiện và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Đảm bảo thời gian hoạt động kiểm định bình thường tối thiểu 08 giờ/01 ngày và 05 ngày/01 tuần; thông báo công khai thời gian kiểm định tại trụ sở đơn vị đăng kiểm;
- Bảo mật thông tin về cá nhân của chủ xe và cơ sở dữ liệu kiểm định, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện kinh doanh và trong quá trình hoạt động kiểm định xe cơ giới;
- Thực hiện việc truyền số liệu, báo cáo theo quy định.
Trên đây là quy định về trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm trong việc tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Nghị định 63/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật