Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động được quy định thế nào?
Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Điều 91 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
1. Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nội dung phối hợp quy định tại khoản 2 Điều này trong phạm vi trách nhiệm của mình;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động các cấp phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo lĩnh vực có liên quan.
2. Nội dung phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
a) Xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Điều tra tai nạn lao động; tai nạn, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;
đ) Thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
e) Khen thưởng về an toàn, vệ sinh lao động;
g) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Trên đây là quy định về cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật