Quy định về tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự

Quy định về tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự?

Tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự là những tội phạm có khung hình phạt từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể như sau:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên
 
Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).
 
Đối với trường hợp phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, cũng tương tự các trường hợp tại khoản 2, khoản 3, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo điểm a khoản 4 Điều 278, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác
 
Khi xác định hậu quả cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:
 
- Làm chết ba người trở lên;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
 
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;
 
- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;
 
- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;
 
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này, phải tùy vào trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
 
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 4 Điều 278, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười lăm năm tù.
 
Do điều luật quy định khung hình phạt có ba mức khác nhau và để việc áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều: 139, 193, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn này thì:
 
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ, hoặc vừa có tình tiết tăng nặng vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:
 
- Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
 
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đến dưới ba tỷ đồng;
 
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
 
Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng, hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn , đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ TNHS cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn:
 
- Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự) .
 
- Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trì từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
 
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
 
Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng TNHS đối với người phạm tội, thì có thể phạt người phạm tội mức hình phạt nặng hơn mức hình phạt được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:
 
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
 
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.
 
Trong trường hợp theo hướng dẫn thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội)  thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
 
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản chiếm đoạt nếu:
 
- Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
 
- Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tìm hiểu Pháp luật

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào