Phạm tội nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự

Hiểu như thế nào về phạm tội nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự?

Các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự  là các trường hợp có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Cụ thể như sau:
 
a) Có tổ chức: 
 
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, nhận hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án nhận hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên mà tùy từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục và người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.
 
Nhận hối lộ có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì có sự câu kết, phân công vai trò, trách nhiệm của từng người đồng phạm nên khó bị phát hiện.
 
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn
 
Người phạm tội nhận hối lộ nhất thiết phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới nhận được hối lộ, nếu chỉ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì đó chỉ là tình tiết có yếu tố định tội, nhưng nếu người nhận hối lộ lại lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thể nhận hối lộ thì lại là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.
 
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là một việc vượt quá chức vụ, quyền hạn mà mình có (vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình).
 
Để lạm dụng chức vụ, quyền hạn trước hết người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn nhưng đã sử dụng vượt quá chức vụ, quyền hạn đã có. Nếu một người không có chức vụ, quyền hạn gì nhưng lại mạo danh là mình có chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ thì không phải là lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
 
c) Phạm tội nhiều lần
 
Phạm tội nhận hối lộ nhiều lần là có từ hai lần nhận hối lộ trở lên và mỗi lần nhận hối lộ đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự) . Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.
 
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước
Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước là trường hợp nhận hối lộ biết rõ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là tài sản của Nhà nước mà vẫn nhận.
 
Về khái niệm tài sản của nhà nước cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước thì không phải bàn cãi, nhưng nếu tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu một phần của Nhà nước thì vấn đề lại không đơn giản, như: các công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị liên doanh, kiên kết giữa nhà nước với các đơn vị tập thể hoặc tư nhân...
 
Có thể còn ý kiến khác nhau về thế nào là tài sản của Nhà nước nhưng về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu một phần dù đó là phần lớn thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.
 
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt
 
Tình tiết này chứa đựng 3 nội dung khác nhau: đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Người phạm tội thuộc một trong ba trường hợp phạm tội này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 279, nhưng nếu người phạm tội nhận hối lộ thuộc cả ba trường hợp phạm tội này thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 của điều luật.
 
Đòi hối lộ là người nhận hối lộ chủ động yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho mình thì mới làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
 
Sách nhiễu là trường hợp người nhận hối lộ gây khó dễ cho người khác để đòi tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của họ như: đã có quyết định cấp đất nhưng cố tình trì hoãn việc giao quyết định cho người được giao đất... Nói chung người sách nhiễu để đòi hối lộ là người không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhận hối lộ sách nhiễu để đòi hối lộ và làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
 
Dùng thủ đoạn xảo quyệt để nhận hối lộ là người phạm tội nhận hối lộ có những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người đưa hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.
 
e) Của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng
 
Đây là trường hợp người phạm tội nhận hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội.
 
Điều luật quy định của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã nhận được của hối ộ có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 279, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc.
 
f) Gây hậu quả nghiêm trọng khác
 
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ từ 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng. Nếu dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi đây là hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi nhận hối lộ mà gây nên những tác hại như đã nêu ở phần trên.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới 2 năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội nhận hối lộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào