Khai báo tai nạn lao động được quy định thế nào?

Khai báo tai nạn lao động được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Vừa qua trong lúc làm việc tại công trình nhóm chúng tôi có người không cẩn thận nên xảy ra tai nạn. Sau đó, chúng tôi đã đưa người đó đi bệnh viện và vì tai nạn cũng nhẹ nên hôm sau người đó vẫn tiếp tục đi làm bình thường. Chuyện này chúng tôi cũng không báo cáo lại với ai. Nhưng tôi thấy chỗ bạn tôi bị tai nạn nhìn rất nguy hiểm nên tôi không biết có cần phải báo cáo việc trên với quản lý của chúng tôi hay không? Ban biên tập có thể giúp tôi giải đáp vấn đề này được không? Pháp luật có quy định gì về việc khai báo tai nạn lao động hay không? Xin chân thành cám ơn Ban biên tập!

Khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Điều 34 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

1. Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động thực hiện như sau:

a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;

b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

c) Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành;

d) Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo với Ủy bannhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.

Ngoài ra, thời gian, nội dung khai báo tai nạn lao động được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Trên đây là quy định về khai báo tai nạn lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tai nạn lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào