Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây thiệt hại đến tính mạng của người khác bị xử lý thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi của người lái xe xích lô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, vì hành vi gây chết người nên cũng sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể:
Về xử lý vi phạm hành chính:
Điều 31 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau: "Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển".
Đồng thời, về kích thước hàng hóa xếp trên xe thô sơ, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 09 năm 2015 quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ hướng dẫn như sau:
"Điều 19. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ
5. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe".
Do đó, hành vi chở một miếng tôn lớn như vậy rõ ràng đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008 và sẽ bị xử phạt theo Điểm c Khoản 3 Điều 8 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thô sơ hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Về xử lý hình sự:
Căn cứ Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, trường hợp này, người lái xe xích lô đã đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể: "Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm."
Như vậy, về hình sự, người lái xe xích lô có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm và thực hiện trách nhiệm bồi thường vì gây thiệt hại đến tính mạng của người khác theo pháp luật dân sự.
Được biết, hoàn cảnh của người lái xe xích lô này rất khó khăn và cũng từng tham gia kháng chiến nên tòa có thể xem xét những tình tiết này để giảm nhẹ hình phạt được quy định tại Điều 46, 47 Bộ luật hình sự.
Trên đây là tư vấn về trường hợp xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây thiệt hại đến tính mạng của người khác. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ luật hình sự 1999 và các văn bản hướng dẫn để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật