Xử phạt trộm cắp nhiều lần
Theo hướng dẫn tại điểm 5 mục II của Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ Tư pháp "Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật hình sự" thì:
"5. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý hành chính; đã bị kết án về tội chiếm đoạt nhưng chưa được xóa án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a. Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Ví dụ: trong buổi tối, A trộm cắp 3 lần, mỗi lần tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu. Khi thực hiện hành vi trộm cắp lần thứ ba trong tối hôm đó thì bị bắt giữ. Tổng giá trị tài sản mà A trộm cắp trong đêm hôm đó bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì A bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
b. Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.
Ví dụ: B không có nghề nghiệp, sống lang thang và lấy việc trộm cắp làm nguồn sống chính nên trong một thời gian ngắn khoảng vài tháng B đã thực hiện nhiều hành vi trộm cắp, mặc dù giá trị tài sản mà B trộm cắp của mỗi lần đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu tổng giá trị tài sản của các lần B trộm cắp bằng hoặc hơn mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì B vẫn bị truy tố theo khoản 1 Điều 138 BLHS về tội trộm cắp tài sản.
c. Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu được thực hiện nhiều lần nên giá trị tài sản mỗi lần xâm phạm thấp hơn mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Một công nhân làm việc trong xưởng, mỗi ngày đi làm về đều trộm cắp một tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu. Ngày thứ mười thì bị phát hiện bắt giữ, tổng số tài sản chiếm đoạt trong 10 ngày trên mức khởi điểm bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người công nhân đó phạm tội trộm cắp tài sản, quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS.
Những trường hợp nêu trên, mặc dù có nhiều lần phạm tội, liên tục phạm tội hoặc có tính chất chuyên nghiệp, nhưng đây là những tình tiết được coi là tình tiết định tội nên không được áp dụng là các tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung tăng nặng. Trường hợp nếu có các tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng khác thì áp dụng điều luật và khoản tương ứng, tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật.
Như vậy trường hợp nêu trên tuy bị can thực hiện nhiều hành vi phạm tội trong một khoảng thời gian từ hai đến bốn tháng, tức là không liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, nếu bị can này không phải là người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cũng không phải vì điều kiện hoàn cảnh khách quan mà chỉ có thể trộm cắp dưới 2 triệu đồng thì cơ quan Công an xử lý hành chính đối với các hành vi trộm cắp có giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng là không có gì trái quy định của pháp luật. Mặc dù hồ sơ vụ án có thể hiện việc xử lý hành chính này và Viện kiểm sát cũng không truy tố các hành vi này (tức là đồng quan điểm với cơ quan điều tra) và chỉ truy tố các hành vi trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng nên Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng dẫn về việc thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thư Viện Pháp Luật