“Hợp đồng tình ái” của Hoa hậu Phương Nga có được coi là hợp pháp?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo Điều 122, BLDS 2005 thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Đối chiếu với thoả thuận trong "hợp đồng tình ái" như bị cáo Nga khai thì rõ ràng giao dịch này vi phạm đạo đức xã hội, nên nó được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127, 128 BLDS 2005.
Về chứng cứ chứng minh trong vụ án hình sự, nếu tình tiết “hợp đồng tình ái” này là có thật, chứng minh được, thì việc cáo buộc bị cáo Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phá vỡ. Nhưng đến thời điểm này thì tình tiết này mới chỉ là lời khai từ các bị cáo nên sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra lại.
Tuy nhiên, như bị cáo Nga khai là "hợp đồng tình ái" này được lập thành 01 (một) bản và ông M giữ, còn Dung thì chỉ thấy sơ qua, không lưu giữ bản nào. Việc lưu giữ trên email nếu chỉ là nội dung văn bản (dạng text) và cũng như việc không thể hiện đã gửi qua email của ông, thì khó có thể chứng minh có "hợp đồng tình ái" này. Bởi lẽ, việc đánh giá chứng cứ theo nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" nên chỉ có lời khai mà không có chứng cứ khác chứng minh lời khai là có căn cứ, thì Hội đồng xét xử cũng sẽ khó chấp nhận lời khai này.
Chưa rõ vụ án rồi sẽ kết thúc như thế nào, nhưng chắc một điều rằng khi người ta nhắc đến mâu thuẫn giữa “đại gia” với “chân dài” thì đây là một thí dụ điển hình và là bài học cho nhiều người về ý thức bảo vệ mình trước pháp luật
Thư Viện Pháp Luật