Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo Bộ luật Dân sự 2015
Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/1/2017).
Theo đó, có hai trường hợp liên quan đến Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:
Thứ nhất là những giao dịch dân sự có thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu là 02 năm, loại này bao gồm các giao dịch dân sự vô hiệu được quy định từ Điều 125 đến Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015. Ngày để tính cho thời hiệu 02 năm được kể từ ngày:
a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
Hết thời hiệu quy định này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Thứ hai là những giao dịch dân sự có thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu không bị hạn chế, loại này bao gồm các giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 123 và Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015.
(Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015)
Nếu bạn bị đe dọa trong việc thực hiện một giao dịch dân sự thì bạn thuộc các trường hợp thứ nhất, bạn có quyền khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong thời hạn là 02 năm kể từ ngày người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật