Quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự
a) Có tổ chức
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tùy từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.
b) Phạm tội nhiều lần
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhiều lần là có từ hai lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trở lên và mỗi lần đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhiều lần.
c) Gây hậu quả nghiêm trọng
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng là đã gây ra những thiệt hại cho xã hội và cho con người. Khác với một số tội phạm quy định trong chương các tôi phạm về chức vụ, nhà làm luật quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, tội phạm này chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, như đã phân tích về các tội phạm có tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng khác, hậu quả nghiêm trọng và hậu quả nghiêm trọng khác không phải là một, nhưng thực tiễn xét xử trong những trường hợp cụ thể lại phải chấp nhận là một và cũng tùy thuộc vòa tội phạm cụ thể mà hiểu và xác định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hay gây hậu quả nghiêm trọng khác như thế nào cho phù hợp. Đến nay, việc hướng dẫn về tình tiết này trong một số tội phạm đã được quan tâm nhưng cũng không phải trường hợp phạm tội nào cũng có thể áp dụng hoặc tham khảo các hướng dẫn đó để xác định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra như đã nêu ở các phần trên.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 thì người phạm tội bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 281, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không dáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới 5 năm tù) nhưng không được dưới 1 năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ, tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể bị phạt mức cao nhất của khung hình phạt (đến 10 năm tù).
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281.
Thư Viện Pháp Luật