Chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lạm quyền.
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Trước hết, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nếu không có chức vụ, quyền hạn thì không thể lạm quyền được. Người không có chức vụ, quyền hạn mà tự xưng là mình có chức vụ quyền hạn thì đó là mạo danh, giả danh chứ không phải là lạm quyền. Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.
Nếu so sánh với các tội có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thì tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, xét về tư cách chủ thể thì không có gì khác nhau, chỉ khác nhau ở hành vi khách quan (lạm quyền với lợi dụng quyền). Do đó, chỉ cần căn cứ vào Điều 4 Luật cán bộ công chức và Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng như đã phân tích ở các phần trên để xác định thế nào là người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài cán bộ công chức thì còn có những người khác cũng có thể lạm quyền nếu họ có đủ những điều kiện quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự.
Cũng như chủ thể của các tội phạm về chức vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ quyền hạn mới thực hiện được tội phạm. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức, còn người thực hành thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án (người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức), vì ở độ tuổi này họ chưa thể trở thành cán bộ công chức.
Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 282, mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự. Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọn, vì mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù.
Thư Viện Pháp Luật