Vai trò của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật
Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và luật. Theo đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với vấn đề trên được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Tổ chức Chính phủ 2015, bao gồm các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.
- Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ.
- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án.
- Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Luật Tổ chức Chính phủ 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật