Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về trường hợp xử phạt tại chỗ được áp dụng “trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức” hoặc “trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện,thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ” , đồng thời “người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ”.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị phạt do lỗi sử dụng bảo hiểm xe máy hết hạn. Khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với trường hợp không có hoặc không mang bảo hiểm xe may như sau:
“2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực”
Trường hợp của bạn bảo hiểm xe máy hết hạn nên được xác định như trường hợp không có bảo hiểm xe máy bắt buộc. Mức phạt tối đa đối với lỗi này là 120.000 ( nhỏ hơn 250.000 đồng) vì vậy, trong trường hợp này có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, không cần lập biên bản.
Đối với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, thì cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc nhà nước hoặc nộp vài tài khoản của Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn luật định. Trong trường hợp công an hết biên lai thì có thể yêu cầu người vi phạm nộp phạt tại Kho bạc nhà nước.
Về việc tạm giữ Giấy phép lái xe, Khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.”.
Trong trường hợp này, cảnh sát giao thông có quyền tạm giữ giấy pháp lái xe của bạn cho đến khi bạn nộp xong tiền phạt.
Như vậy, cảnh sát giao thông có quyền xử phạt hành chính tại chỗ hoặc lập biên bản yêu cầu bạn lên làm việc để nộp phạt hoặc tự đi nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước. Nếu bạn chưa thực hiện việc nộp phạt thì cảnh sát giao thông có quyền tạm giữ giấy phép lái xe của bạn.
Trên đây là quy định về trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật