Mặt khách quan của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác có hành vi lạm quyền.
a) Hành vi khách quan
Trước hết, người phạm tội phải là người có hành vi lạm quyền.
Hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lạm quyền trong các tội phạm khác, người phạm tội đã vượt quá quyền hạn mà pháp luật cho phép. Hành vi vượt quá quyền hạn cũng tương tự như hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự.Tuy nhiên, hành vi lạm quyền quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự không phải là phương tiện để người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác mà là nguyên nhân gây ra những thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Nếu căn cứ vào điều văn của điều luật, thì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều 280 với hành vi lạm quyền quy định tại Điều 282 không phải là một vì nếu là một thì Điều 280 cũng phải quy định lạm quyền chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc Điều 282 phải quy định lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Về hình thức cấu tạo từ ngữ thì đúng là hai thuật ngữ này khác nhau và nếu phân tích một cách chi tiết từng âm tiết thì lạm dụng chức vụ, quyền hạn với lạm quyền có điểm giống nhau và cũng có điểm khác nhau. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn có nội hàm rộng hơn, nó bao gồm cả lạm quyền, còn lạm quyền chỉ là một bộ phận của lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, xét về ý nghĩa pháp lý thì khi dùng thuật ngữ lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải đi liền với hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi khác và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chỉ là thủ đoạn, còn hành vi tiếp theo là mục đích của người có chức vụ, quyền hạn. Còn khi dùng thuật ngữ lạm quyền thì hành vi này không phải là thủ đoạn phạm tội mà nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại và thiệt hại do chính hành vi lạm quyền gây ra, liền ngay sau hành vi lạm quyền, không còn hành vi nào khác của người phạm tội nữa. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa việc dùng hai thuật ngữ, chứ không phải sự khác nhau về bản chất của hai thuật ngữ.
Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách của mình như: chủ tịch xã/phường ra lệnh dỡ nhà dân để giải phóng mặt bằng, ra lệnh tạm giữ người có hành vi vi phạm pháp luật…
Nếu người phạm tội lạm quyền nhưng không phải trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 282, mà tùy từng trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Ví dụ: kiểm sát viên không được giao nhiệm vụ kiểm sát điều tra nhưng đã tự ý can thiệp với cán bộ điều tra để làm sai lệch hồ sơ vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội để trục lợi thì hành vi của kiểm sát viên là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại Điều 283 Bộ luật hình sự.
b) Hậu quả
Cũng như đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây ra thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.
Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì còn có những hậu quả khác không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những thiệt hại vật chất, có thiệt hại phi vật chất.
Thư Viện Pháp Luật