Lương hưu được tính thế nào?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cá nhân không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, nếu không phải là người lao động làm việc tại công ty, tổ chức nào, bạn vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Do đó, người lao động được chọn mức đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với thu nhập của mình, có thể là hơn một triệu đồng một tháng hoặc mức đóng khác.
Để được hưởng chế độ hưu trí trên cơ sở đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo quy định tại Điều 73 phải đáp ứng đủ hai điều kiện: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
a) Người nghỉ hưu từ ngày1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
b) Nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
c) Nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
Năm nghỉ hưu
Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%
2018: 16 năm
2019: 17 năm
2020: 18 năm
2021: 19 năm
Từ 2022 trở đi: 20 năm
Theo khoản 1 Điều 79 Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
Như vậy, căn cứ mức bình quân thu nhập đóng bảo hiểm xã hội, thời điểm nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo các quy định nêu trên, người lao động sẽ ước tính được mức hưởng lương hàng tháng của mình.
Thư Viện Pháp Luật