Mua đất viết tay chủ nhà không làm thủ tục chuyển nhượng phải làm thế nào?
1. Hiệu lực của giao dịch mua bán
Như bạn trình bày, được hiểu bạn đặt cọc cho bên bán 300 triệu hẹn trong 3 tháng bên bán phải tiến hành thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn, khi đó, bạn thanh toán nốt 100 triệu. Sau đó, bạn đồng ý thanh toán thêm 80 triệu cho bên bán, hai bên ký giấy tờ mua bán viết tay với nhau về việc chuyển nhượng, nhưng bên bán sau khi nhận tiền đã không tiến hành thủ tục chuyển nhượng đúng cam kết với lý do đưa ra là không tách sổ được.
Như vậy, bạn cần kiểm tra lại giấy tờ hai bên ký kết, chúng tôi tạm phân ra 2 trường hợp sau:
1.1 Việc chuyển tiền của bạn là khoản tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất: nếu bên bán không thực hiện được cam kết thì phải trả lại tiền cọc cho bạn, đồng thời phải chịu phạt cọc theo thỏa thuận, trường hợp hai bên không thỏa thuận về việc phạt cọc thì theo quy định của pháp luật, bên bán chịu phạt cọc một khoản tiền bằng số tiền nhận đặt cọc. (Điều 358, Bộ luật dân sự 2005)
1.2 Việc chuyển tiền của bạn là tiền thanh toán cho việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất: nếu hợp đồng được ký nhưng chưa được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật thì hợp đồng chưa có hiệu lực pháp luật (Điều 167, Luật đất đai), nay bên bán viện các lý do để không thực hiện hợp đồng, bạn có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bên bán phải thực hiện đúng trình tự, theo đó: bên bán phải thực hiện thủ tục xin công văn tách thửa (như nội dung tư vấn dưới đây), sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng cho bạn tai phòng công chứng và thực hiện thủ tục sang tên tại Phòng Tài nguyên Môi trường nơi có đất. Nếu bên bán không thực hiện thì giao dịch giữa hai bên bị coi là vô hiệu và bên bán phải trả lại tiền cho bạn, bạn trả lại quyền sử dụng đất (nếu đã được nhận bàn giao) bên nào có lỗi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Điều kiện để tách thửa
Vì không có thông tin cụ thể về địa chỉ thửa đất nên không có căn cứ để chúng tôi tư vấn chính xác cho bạn các quy định về điều kiện tách thửa.
Tuy vậy, bạn căn cứ vào quy định cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ban hành về điều kiện tách thửa (cụ thể là hạn mức tối thiểu của thửa đất định tách cũng như quy định về đường vào thửa đất, chiều ngang mặt tiền thửa đất…) để xác định lý do mà bên bán đưa ra là có căn cứ hay không.
Nếu xét đất có đủ điều kiện để tách thửa thì bạn có quyền yêu cầu bên bán thực hiện sau đó chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật cũng như thỏa thuận giưa hai bên.
Nếu đủ điều kiện để tách thửa mà bên bán vẫn từ chối việc chuyển quyền sử dụng đất đồng thời không trả lại tiền cho gia đình bạn thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án như tư vấn tại điểm 3 dưới đây để bảo vệ quyền lợi cho mình.
3. Khởi kiện tại Tòa án
- Thẩm quyền tòa án: tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên bán cư trú có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
- Hồ sơ: bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các tài liệu: chứng minh nhân dân/hộ khẩu của bạn (bản sao chứng thực); giấy tờ mua bán; giấy tờ chứng minh việc thanh toán tiền và đơn khởi kiện.
- Trình tự thực hiện:
Hồ sơ được nộp về tòa án, tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ và hướng dẫn bạn hoàn thiện cũng như nộp tiền tạm ứng án phí trước khi ra quyết định thụ lý vụ án.
Trường hợp của bạn, giao dịch mua bán chưa đáp ứng được quy định về hình thức (hợp đồng cần công chứng, chứng thực mà chưa được hai bên thực hiện), tòa án sẽ yêu cầu các bên hoàn thiện thủ tục công chứng, chứng thực trong một khoảng thời gian nhất định, nếu một bên không tuân thủ thì hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu và bên cố tình làm cho hợp đồng vô hiệu là người có lỗi và phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Vì hợp đồng vô hiệu nên hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên bán phải trả lại cho bạn tiền. (Điều 137 Bộ Luật Dân Sự)
Thư Viện Pháp Luật