Công chức có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ điều 43, 44 Luật Việc làm 2013 và Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm, về BHTN, quy định đối tượng tham gia BHTN là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP... Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2012: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật“. Như vậy, công chức làm việc theo quyết định tuyển dụng của Nhà nước chứ không làm việc theo hợp đồng lao động. Vậy nên, công chức không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy vậy theo khoản 3, Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định thì người sử dụng lao động tham gia BHTN bao gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… Trường hợp này được áp dụng đối với viên chức ký hợp đồng làm việc cho các tổ chức nói trên.
Thư Viện Pháp Luật