Giải quyết yêu cầu giám định lại như thế nào?

Không đồng ý với kết luận giám định mà người giám định đọc tại phiên toà, bà P là người bị kiện đã yêu cầu giám định lại. Xin hỏi nếu yêu cầu của bà P là có căn cứ và cần thiết thì Hội đồng xét xử sẽ giải quyết như thế nào? Mong nhận được tư vấn từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Trường hợp đương sự có yêu cầu giám định lại thì sẽ được giải quyết như sau:

Tại Khoản 4 Điều 257 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Khi có đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại; trong trường hợp này, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 259 của Bộ luật này.

Đồng thời, Khoản 5 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định căn cứ của việc giám định lại như sau: Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Do đó, nếu có căn cứ nêu trên, yêu cầu giám định lại của bạn sẽ được giải quyết.

Trên đây là quy định về giải quyết yêu cầu giám định lại. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào