Điều khiển ô tô quá thời gian quy định bị xử phạt như thế nào?

Tôi sắp đi làm tài xế chính thức cho một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Cho tôi hỏi thời gian làm việc của người lái xe ô tô trong một ngày được quy định như thế nào? Nếu vi phạm về thời gian làm việc, người lái xe bị xử phạt ra sao? Mong nhận được sự tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Về thời gian làm việc của người lái xe ô tô, tại Khoản 1, Điều 65, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/8/2016).

Cụ thể với trường hợp của bạn là người điều khiển xe ô tô chở hành khách, theo Điểm d, Khoản 6, Điều 23, khi điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời theo Điểm b, Khoản 7, Điều 23, người điều khiển xe vi phạm về thời gian làm việc còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng.

Như vậy, khi bạn làm người điều khiển xe khách, bạn không được lái xe quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm, bạn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng. Bạn nên chấp hành quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô, vì đó là điều kiện để bạn có sức khỏe tốt và có thể lái xe an toàn.
 
Trên đây là quy định về xử phạt hành vi điều khiển ô tô quá thời gian quy định. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
 
Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào