Quyền nuôi con trên 7 tuổi khi ly hôn và nghĩa vụ cấp dưỡng

Tôi và chồng tôi có một đứa con đã tròn 7 tuổi. Gần đây, giữa vợ chồng tôi không thống nhất được về tài sản, và cũng không còn tình cảm. Tôi muốn ly hôn. Cho tôi hỏi: Bây giờ tôi phải nộp đơn ly hôn đến đâu? Tôi giành được quyền nuôi con trong những trường hợp nào? Nếu tôi nuôi con, thì chồng tôi có nghĩa vụ gì với con tôi sau này không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Quyền nuôi con trên 7 tuổi khi ly hôn và nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Theo Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền Tòa án. Theo quy định pháp luật, bạn làm đơn yêu cầu giải quyết ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà chồng bạn đang cư trú để được giải quyết vấn đề này.

Có các trường hợp sau, bạn có thể giành được quyền nuôi con:

+ Trường hợp 1: Bạn và chồng bạn thỏa thuận được về việc nuôi con sau khi ly hôn rằng bạn sẽ là người nuôi con.

+ Trường hợp 2: Theo ý nguyện của con khi cháu muốn ở với mẹ.

Theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Theo thông tin bạn cung cấp, con của bạn đã đủ 7 tuổi, nếu giữa bạn và chồng bạn không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con bạn (do con bạn đã đủ 7 tuổi). Nếu con bạn có nguyện vọng muốn được ở với bạn, trong trường hợp này, bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con.

Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Như vậy, nếu bạn là người trực tiếp nuôi con, thì chồng bạn tức là cha của cháu phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi cháu đủ 18 tuổi.

Trên đây là tư vấn về quyền nuôi con trên 7 tuổi và nghĩa vụ cấp dưỡng. Để hiểu rõ hơn bạn cần nghiên cứu thêm tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giành quyền nuôi con khi ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào