Quyền được đứng tên quyền sử dụng đất khi người ủy quyền qua đời
Ông H không được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất này vì:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4 Điều 589 Bộ luật dân sự 2005, hợp đồng ủy quyền sẽ chấm dứt khi bên ủy quyền chết. Như vậy, khi bà C chết thì việc ủy quyền cho ông H giải quyết việc tranh chấp ranh giới sử dụng đất với bà N trước đó cũng sẽ chấm dứt.
Thứ hai, bà C chỉ làm giấy ủy quyền cho ông H thay mặt mình giải quyết việc tranh chấp ranh giới sử dụng đất với bà N, chứ không chuyển quyền sử dụng đất cho ông H.
Thứ ba, bà C cũng không để lại di chúc như vậy việc thừa kế tài sản của bà C sẽ được xử lý theo quy định thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 . Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005: “...a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Do đó ông H là họ hàng xa với bà C thì sẽ không thuộc một trong ba hàng thừa kế nói trên. theo quy định tại điều 644 Bộ luật dân sự 2005: “trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”
Như vậy, có thể khẳng định ông H sẽ không được đứng tên chủ sử dụng mảnh đất của bà C. Và trong trường hợp này Nhà nước sẽ thu hồi mảnh đất đó theo quy định tại khoản 7 điều 38 Luật đất đai 2013.
Trên đây là tư vấn về quyền được đứng tên quyền sử dụng đất khi người ủy quyền qua đời. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo Bộ luật dân sự 2005.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật