Xử phạt khi không thông báo lưu trú
Khoản 1 và khoản 2 Điều 30 của Luật Cư trú quy định:
“Điều 30. Đăng ký tạm trú
1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn”.
Khoản 1 Điều 31 của Luật Cư trú quy định về lưu trú và thông báo lưu trú như sau:
“1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú”.
Như vậy, trường hợp sinh viên thuê phòng trọ cho bạn ở cùng do lỡ đường là thuộc trường hợp lưu trú, có nghĩa là phải thông báo lưu trú mà không phải đăng ký tạm trú. Việc thông báo lưu trú được quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Cư trú như sau: “Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần”.
Nếu không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan Công an theo quy định khi có người đến lưu trú thì bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d, khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”.
Bạn có thể căn cứ những quy định pháp luật chúng tôi đưa ra để giải quyết trường hợp của mình.
Trên đây là quy định về xử phạt khi không thông báo lưu trú. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 167/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật