Được khởi kiện trong phạm vi nào?
Căn cứ Điều 188 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về phạm vi khởi kiện như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
2. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Trường hợp của bạn làm đơn khởi kiện về việc công ty tố cáo bạn sai sự thật đồng thời không trả lương cho bạn vừa làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định Bộ luật lao động 2012 và Bộ tố tụng dân sự 2015 thì tòa án không thụ lý giải quyết là có căn cứ pháp luật bởi đây là 02 quan hệ pháp luật hoàn toàn khác nhau, không có liên quan với nhau.
Trong trường hợp này, bạn phải tách nội dung khởi kiện về quyết định kỷ luật sa thải của người sử dụng lao động riêng để gửi đến tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu việc không trả lương của người sử dụng lao động có liên quan đến quyết định kỷ luật sa thải thì bạn có thể làm chung trong cùng một đơn khởi kiện.
Nếu công ty có đưa ra các thông tin sai về bạn, xúc phạm danh dự nhân phẩm của bạn thì bạn có quyền làm đơn tố cáo gửi tới Công an nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để giải quyết vấn đề này.
Trên đây là quy định về phạm vi khởi kiện trong tố tụng dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật