Quyền tự thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự của đương sự
Xuất phát từ bản chất của các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các đương sự có quyền thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng và Tòa án tôn trọng thỏa thuận hợp pháp của các bên.
Quyền tự định đoạt của đương sự thể hiện ở quá trình hòa giải. Tòa án tiến hành hòa giải, tạo điều kiện các bên thỏa thuận để giải quyết vụ việc. Cơ sở của hòa giải là quyền tự định đoạt của đương sự, Khoản 2 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nguyên tắc tiến hành hòa giải: “Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dung vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình”.
Quyền tự định doạt của đương sự còn thể hiện ở quyền tự thỏa thuận, thương lượng, dàn xếp với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án sau khi Tòa án đã thụ lý. Trường hợp này, các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án, việc thỏa thuận này có thể được thực hiện ở mọi thời điểm trong quá trình tố tụng. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và việc thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái đạo đức xã hội thì Hội đông xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề cần giải quyết của vụ án, việc thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm và công nhận thỏa thuận của các đương sự.
Trên đây là quy định về quyền tự thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự của đương sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật