Thời gian phải bật đèn chiếu sáng khi chạy xe?
Thông thường, khi trời tối, hạn chế tầm nhìn, các lái xe sẽ tự khắc bật đèn để điều khiển phương tiện được dễ dàng hơn. Ai cũng biết việc này, tuy nhiên, không nhiều người để ý xem trong Luật có quy định giờ bật đèn hay không.
Luật GTĐB Việt Nam năm 2008 quy định, đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chấp hành các quy tắc giao thông, trong đó quy định các phương tiện lưu thông trên đường, thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau phải bật đủ đèn chiếu sáng.
Trường hợp xe trên đường mà không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau bị xử phạt theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 5 của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Mức xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng. Trường hợp là xe máy cũng với lỗi vi phạm trên sẽ bị phạt từ 60.000 - 80.000 đồng.
Khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà không bật đủ đèn chiếu sáng, các phương tiện đi ngược chiều đường sẽ không trông thấy hoặc có phát hiện nhưng không đủ khoảng cách an toàn, không xử lý kịp phanh xe có thể xảy ra TNGT. Khi các phương tiện chạy ngược chiều với tốc độ cao mà xảy ra TNGT thì hậu quả khôn lường.
Như vậy, thời gian phải bật đèn chiếu sáng khi chạy xe là từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Trên đây là quy định về thời gian phải bật đèn chiếu sáng khi chạy xe. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật