Hành vi bán vé tàu giả bị xử phạt như thế nào?

Hành vi bán vé tàu giả bị xử phạt như thế nào? Ông Nguyễn Văn Bé bán vé tàu của doanh nghiệp A cho tôi và tôi bán lại cho những người khác với giá rẻ hơn. Khi bán tôi bị cơ quan công an phát hiện tôi đang bán vé của doanh nghiệp A và trong đó có 3 vé giả nên bắt phạt tôi. Như vậy, mức phạt của tôi như thế nào ạ? Mong nhận được tư vấn từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Vì trong trường hợp này của bạn, bạn không nói rõ số lượng vé tàu mà bạn bán là bao nhiêu nên không thể xác định chính xác được mức phạt cụ thể của bạn. Chính vì vậy, chúng tôi tư vấn cho bạn theo hướng sau:

Bị xử phạt hành chính:

Hành vi bán vé của doanh nghiệp A và bán vé giả của bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 68 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sử dụng vé tàu giả để đi tàu.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên bán vé của đại lý bán vé tàu, nhân viên bán vé trên tàu bán vé tàu trái quy định;

b) Mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển vé tàu giả;

b) Bán vé tàu giả;

c) Tàng trữ vé tàu giả.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này bị tịch thu vé tàu giả;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này bị tịch thu toàn bộ số vé tàu hiện có;

c) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này bị tịch thu toàn bộ vé tàu giả.

5. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, cần phải căn cứ vào hành vi của bạn và số lượng vé bạn bán ra thị trường mà còn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự 1999:

“1. Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Thu lợi bất chính lớn;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Chính vì vậy, bạn cần xác định hành vi của mình để biết là trong trường hợp này của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ bị xử phạt hành chính.

Trên đây là quy định về xử phạt hành vi bán vé tàu giả. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào