Thủ tục xin phép đi vào đường cấm

Xin phép đi vào đường cấm và xử phạt khi đi vào đường cấm được quy định như thế nào? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Quy định và xử phạt đi vào đường cấm. Thủ tục cấp Giấy phép đi vào đường cấm. Mức xử phạt đi vào đường cấm.

Tại Khoản 1, Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”. Theo quy định này thì các loại xe tham gia giao thông phải chạy đúng luồng, đúng tuyến quy định và không được đi vào đường cấm, khu vực cấm, đường cấm đi ngược chiều. Nếu vì lý do đặc biệt mà xe cơ giới cần đi vào đường cấm, khu vực cấm thì chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép của Công an cấp tỉnh.

Thủ tục xin cấp Giấy phép đi vào đường cấm như sau:

Căn cứ Khoản 4, Mục II Thông tư số 02/1999/TT-BCA(C11), việc xin Giấy phép đi vào đường cấm được thực hiện qua các bước:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin phép.

Trong đơn phải ghi rõ tên chủ xe, số đăng ký xe, xe loại gì, đi vào đường nào, phố nào, vì lý do gì, đi trong khoảng thời gian nào trong ngày, và cần đi bao nhiêu ngày.

- Chứng minh nhân dân của chủ phương tiện (nếu chủ phương tiện không trực tiếp đến nộp hồ sơ cấp phép phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện theo quy định hiện hành) hoặc giấy giới thiệu (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp).

- Giấy tờ phương tiện: Giấy chứng nhận đăng ký xe, sổ kiểm định kỹ thuật (bản phô tô kèm bản chính để đối chiếu).

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê xe (đối với xe thuê).

Bước 2: Nộp hồ sơ tại trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an cấp tỉnh. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ giấy tờ có trong hồ sơ, yêu cầu bổ sung, hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì phát hành giấy hẹn ngày đến nhận kết quả.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ:

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì Phòng cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải xem xét giải quyết ngay việc cấp giấy phép hay không cấp. Trường hợp không cấp phải nói rõ lý do cho người xin cấp biết.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ kịp thời hoàn thiện lại.

Bước 4: Trả Giấy phép cho tổ chức, cá nhân.

Giấy phép đi vào đường cấm do Công an các địa phương tự in theo mẫu quy định của Bộ Công an.

Lệ phí cấp Giấy phép đi vào đường cấm là 30.000 đồng/lần/phương tiện.

Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cố tình vi phạm đi vào các đường cấm, khu vực cấm sẽ bị Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý theo quy định. Mức xử phạt đối với hành vi này được quy định cụ thể tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000.

- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Như vậy, tùy từng phương tiện mà người tham gia giao thông có thể phải chịu các mức phạt khác nhau đối với lỗi vi phạm đi đi vào đường cấm.

Trên đây là quy định về xin phép vào đường cấm và xử phạt khi đi vào đường cấm. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào